MÔ HÌNH TỪ TRANG TRẠI ĐẾN BÀN ĂN: “GIÀU TIỀM NĂNG VÀ THÁCH THỨC”
Trong bối cảnh thị trường thực phẩm còn tiềm ẩn những nguy cơ thiếu an toàn, mô hình nông nghiệp sạch “từ trang trại đến bàn ăn” đã và đang nhận được sự đón nhận, hưởng ứng của đông đảo khách hàng. Bên cạnh ưu điểm như có nguồn gốc rõ ràng, quy trình khép kín, mô hình này còn giúp giải quyết những bất cập đang tồn tại của ngành Nông nghiệp nói chung và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm. Nhiều lợi thế là vậy, thế nhưng cho đến thời điểm hiện tại, số lượng mô hình “từ trang trại đến bàn ăn” vẫn còn hạn chế do gặp không ít thách thức.
Mô hình “từ trang trại đến bàn ăn” đã và đang trở thành xu hướng sản xuất, tiêu dùng phổ biến.
Thị trường tiềm năng
“Từ trang trại đến bàn ăn”, hay còn gọi là mô hình 3F (Feed - Farm - Food) là mô hình sản xuất thực phẩm an toàn khép kín từ khâu nuôi, trồng ở trang trại đến khâu chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Phải nói rằng, sự phát triển của mô hình 3F đề cao cung ứng sản phẩm theo chuỗi, truy xuất nguồn gốc đã làm thay đổi căn bản ngành trồng trọt và chăn nuôi Việt Nam. Cụ thể, trước đây, ngành trồng trọt và chăn nuôi chia nhỏ thành nhiều giai đoạn như làm giống, sản xuất thức ăn, nuôi trồng, chế biến, tiêu thụ, trong đó từng công đoạn lại có lợi nhuận riêng, rủi ro riêng, đặc biệt là chịu ảnh hưởng của tư tưởng “cha chung không ai khóc” khi sản phẩm bị từ chối trên thị trường, trách nhiệm không biết thuộc về ai... Tuy nhiên, với mô hình 3F tất cả đã thay đổi khi mô hình này đòi hỏi sự đồng bộ từ khâu làm giống, sản xuất thức ăn, chăn nuôi, chế biến và cung ứng thực phẩm..., tất cả phải có sự liên thông, minh bạch.
Do các khâu nuôi trồng, chế biến đều tập trung vào một đơn vị nên độ tin cậy về chất lượng sản phẩm sẽ tăng theo và gây được lòng tin với khách hàng.
Với phương thức sản xuất trên, Nông Trại Xanh Phương Nam (địa chỉ 150/4 Ấp 4, Xã Lạc Tấn, Huyện Tân Trụ, Tỉnh Long An) đã áp dụng mô hình “từ trang trại đến bàn ăn” và hiện đang phát huy hiệu quả khi đáp ứng một phần nhu cầu thực phẩm sạch cho người dân Khu vực HCM. Nói về lý do, động lực hình thành trang trại, anh Huỳnh Văn Dân - chủ trang trại Phương Nam cho biết, trong bối cảnh thực phẩm bẩn tràn lan, khó kiểm soát, trang trại Phương Nam mong muốn tạo ra thực phẩm sạch cho xã hội. Thương hiệu “Thực Phẩm Phương Nam” của anh đã và đang được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng bởi các loại thực phẩm được trồng và chăm sóc tại trang trại đều theo quy trình sản xuất hữu cơ, tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc trừ cỏ, trừ sâu và phân bón hóa học. hoặc chất kích thích tăng trưởng và tất cả các công đoạn chăm bón, nhổ cỏ, bắt sâu đều được thực hiện bằng phương pháp thủ công, không dùng đến thuốc bảo vệ thực vật và ưu tiên theo quy trình thuận theo tự nhiên.
Theo báo cáo mới đây về xu hướng tiêu dùng thực phẩm hữu cơ của AC Nielsen, có đến 86% người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên lựa chọn sản phẩm sạch cho những bữa ăn hằng ngày bởi tính an toàn, giàu dinh dưỡng. Không chỉ tin tưởng vào các hệ thống siêu thị lớn trên cả nước, người dân cũng có xu hướng chọn lựa sản phẩm từ các công ty, đơn vị uy tín chuyên cung cấp sản phẩm sạch, có quy trình sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn về chất lượng dù các sản phẩm này có thể có giá cao hơn các sản phẩm thông thường.
Anh Nguyễn Công Minh hệ thống cung ứng thực phẩm sạch Organic F khẳng định, sau nhiều năm là đơn vị tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp phát triển sản xuất theo hướng “từ trang trại đến bàn ăn”, anh nhận thấy mô hình này đang có nhiều lợi thế để phát triển. Các phần mềm, App ứng dụng bán hàng ngày càng thuận tiện nên đã hỗ trợ mô hình “từ trang trại đến bàn ăn” ngày một tốt hơn. Trong tương lai, mô hình này chắc chắn sẽ được nhiều người tiêu dùng đón nhận bởi có nhiều ưu điểm.
Đối mặt với nhiều thách thức
Mặc dù có nhiều lợi thế nhưng mô hình “từ trang trại đến bàn ăn” tuy nhiên mô hình này cũng đang gặp không ít rào cản. Theo anh Nguyễn Công Minh, mô hình 3F vẫn tồn tại nhiều hạn chế. Đơn cử như đối với mô hình có quy mô nhỏ, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn nhiều hơn vì sản phẩm hạn chế, không đủ để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Tiếp đó, cơ sở sản xuất chưa tiếp cận được lượng khách hàng ổn định, chủ yếu qua mối quan hệ người thân giới thiệu, trong khi sản phẩm của mô hình 3F thường có giá cao rất khó cạnh tranh thị trường.
Còn anh Huỳnh Văn Dân, Chủ trang trại Phương Nam chia sẻ: “Mô hình 3F chưa phát triển nhiều ở khu vưc HCM vì đây là mô hình đầu tư khá rủi ro, khó khăn, phức tạp, cần nguồn vốn lớn. Đặc biệt, đầu tư vào trang trại hữu cơ mang tính dài hạn bởi đây là mô hình phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện tự nhiên. Hơn nữa, muốn sản phẩm hữu cơ thực sự đạt năng suất và hiệu quả thì cần phải có thời gian để hệ sinh thái cân bằng, đất màu mỡ thì mới đạt năng suất cao... Chưa kể về mặt chính sách, mặc dù Nhà nước đã có những chính sách vĩ mô khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch nhưng trong thực tế, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, lớn nhất là về vốn. Các trang trại hữu cơ muốn vay vốn nhưng đa số ngân hàng không dám cho vay do tính rủi ro của mô hình này cao, mô hình này lại được hỗ trợ lãi suất nên lợi nhuận ngân hàng thu được sẽ không cao...”.
Có thể nói, mô hình “từ trang trại đến bàn ăn” đã và đang trở thành xu hướng sản xuất, tiêu dùng phổ biến. Chính vì thế, nếu các doanh nghiệp có đủ điều kiện vượt qua rào cản, việc nắm bắt và lựa chọn xu thế này có thể xem là kim chỉ nam giúp các doanh nghiệp nông nghiệp không ngừng phát triển trong không gian kinh tế mở, nhiều cơ hội và cũng đầy thách thức như hiện nay.