HÀ TĨNHTừng suýt phá sản vì lỗ 700 triệu đồng lúc giá hươu sao chạm đáy, vợ chồng bà Hà ôm nhau khóc, thấy cán bộ ngân hàng đến đòi nợ thì trốn.
Gần 30 năm sau, khi đã sở hữu doanh nghiệp nhung hươu, bà Chu Thị Hồng Hà, 49 tuổi, trú xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn, vẫn nhớ như in kỷ niệm khiến gia đình suýt mất nhà.
Kết hôn năm 1992, bà Hà và ông Phạm Đức Thuận ra ở riêng, vay ngân hàng vài trăm triệu đồng để buôn hươu và nuôi hươu lấy nhung, đến vụ thu hoạch thì cắt nhung đem thái lát bán. Thời gian đầu, việc buôn bán thuận lợi, hươu mua về ông Thuận sang tay bán cho đối tác, mỗi con lời vài triệu đồng. Sản phẩm làm từ nhung đắt khách, vợ chồng trẻ ấp ủ ý tưởng dồn tiền mở hệ thống chuồng trại và xưởng sản xuất lớn, thay cho cơ sở nhỏ tại nhà chỉ vài chục mét vuông.
Tuy nhiên, dự định vừa "thai nghén" đã vụt tắt. Giữa năm 1993, hươu sao trưởng thành chỉ còn hơn một triệu đồng, trong khi đầu năm là 50-60 triệu đồng/con. Cùng thời điểm, 3 con hươu ông Thuận mua hơn 100 triệu đồng, chưa kịp bán cho đối tác thì bị chết. Nhung hươu cũng không có người mua.
"Đợt đó tôi lỗ 700 triệu đồng, vợ chồng thấy hươu chết mà ôm nhau khóc. Không có thu nhập, trong khi đó lãi 2,8% một tháng khiến gia đình gần như sạt nghiệp, phải đi vay nhiều nơi để cứu vớt cơ sở. Có hôm chưa có tiền trả lãi, thấy cán bộ ngân hàng đến đòi nợ, tôi và chồng phải rủ nhau đi trốn", bà Hà kể.
Bà Chu Thị Hồng Hà khoe một cặp nhung hươu vừa cắt tại trang trại của gia đình. Ảnh: Đức Hùng
Hàng chục gia đình nuôi hươu ở huyện Hương Sơn thời điểm giữa năm 1993 cũng chung cảnh ngộ với vợ chồng bà Hà, hoặc thua lỗ, hoặc phá sản do hươu rớt giá. Nhiều hộ không còn mặn mà với nghề nuôi hươu sao lấy nhung, những cơ sở bán sản phẩm từ nhung hươu thì chuyển ngành kinh doanh.
Kinh tế gia đình cạn kiệt, nhiều đêm vợ chồng trẻ nằm thao thức không thể ngủ. Nhận thấy hươu đang rớt giá, nhưng vẫn có thể mang lại kinh tế lớn vì trước đó đã giúp nhiều hộ thoát nghèo, bà Hà nói với chồng: "Mình không được bỏ nghề, phải tiếp tục gắn bó thôi anh à. Khổ mấy em cũng chịu được, mong anh đừng nản chí để cùng làm lại từ đầu".
Vay thêm hàng trăm triệu đồng từ họ hàng, vợ chồng bà Hà quyết khởi nghiệp lần thứ hai từ nuôi hươu vào năm 1994. Lần này ông Thuận không đi buôn nữa mà chuyển sang chăn nuôi bán hươu giống, sản xuất các sản phẩm từ thịt và nhung hươu. Ngoài ra, ông Thuận còn nuôi lợn, nấu rượu ngâm nhung hươu bán kiếm thêm tiền trả lãi. Đến năm 1999, người Thái Lan sang Việt Nam mua hươu nhiều hơn, giá tăng dần, việc kinh doanh của vợ chồng bà Hà bắt đầu có lãi.
Bà Hà tâm sự, thời trẻ từng ước mơ sau này trở thành cô giáo. Lúc lập gia đình bà đang là sinh viên năm thứ hai trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, song sau đó bỏ để theo nghiệp nuôi hươu của gia đình chồng, vì thấy "có thể làm được những điều gì đó lớn lao".
Nhớ lại lúc khởi nghiệp thất bại, bà nói bị sốc nặng, nhưng phải kìm nén. Nếu để chồng biết thì gia đình sẽ đổ vỡ vì ông Thuận dễ nản chí. Chỉ đến khi bắt đầu có lãi, nhiều đêm bà rỉ tai chồng: "Lúc hươu chết, nếu em buông xuôi thì chắc gia đình ta giờ đã chuyển nghề". Ông Thuận nghe xong mỉm cười.
Bà Hà cho hươu ăn. Ảnh: Hùng Lê
Không phải là con nhà nòi, vốn kiến thức nuôi hươu ít, ban đầu bà Hà chọn cách vừa làm vừa học hỏi từ chồng, từ các phương pháp trên mạng, ghi chép cẩn thận. Từ cơ sở nhỏ lẻ tại gia, đến năm 2007, bà Hà mở rộng cơ ngơi, lập doanh nghiệp chuyên cung cấp sản phẩm từ hươu sao như: Nhung hươu tươi, thịt hươu sao, đế hươu, nhung hương khô tán bột, nhung hươu tươi thái lát, cao xương và các sản phẩm rượu nhung hươu..., giá từ vài trăm nghìn đến hàng triệu đồng. Nhiều sản phẩm đã được cấp OCOP 3 sao (chương trình mỗi xã một sản phẩm).
Ngoài ra, trại nuôi hươu giống ở xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn, của gia đình bà đang nuôi 63 con hươu, mỗi năm cho 18-20 kg nhung và 12 con giống. Giá nhung hươu hiện tại 10-13 triệu đồng một kg, giá hươu giống 20 triệu đồng một con. Ngoài sử dụng nhung hươu của trang trại, mỗi năm bà Hà còn thu mua khoảng 1,5 tấn của người dân trong huyện về chế biến.
Bà Hà chia sẻ, các sản phẩm làm từ nhung hươu tác dụng tốt cho cơ thể nên được nhiều khách hàng ưa chuộng. Hiện ngoài bán cho khách hàng trong và ngoài tỉnh, sản phẩm tại cơ sở còn bán ra nước ngoài.
"Mỗi năm, doanh thu tại cơ sở đạt gần 30 tỷ đồng từ việc bán hươu giống và các sản phẩm làm từ nhung hươu. Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận đạt 10%", bà Hà nói. Cơ sở của gia đình hiện nay có 5 công nhân làm cố định, lương 6,5 triệu đồng một tháng. Ngoài ra, còn có 10 lao động làm thời vụ, chuyên đi thu mua nhung hươu tại nhà dân, ai mua được một cặp sẽ trả công 100.000 đồng, hôm cao điểm có người mua được hơn 10 cặp nhung.
Sản phẩm nhung hươu khô xay bột đóng hộp tại cơ sở của bà Hà. Ảnh: Đức Hùng
Đến nay, bà Hà ước tính đã đầu tư 10 tỷ đồng vào cơ sở nuôi và sản xuất các sản phẩm từ nhung hươu. Nợ nần ngày xưa đã trả hết, gia đình sắm được ôtô, nhiều vật dụng sinh hoạt đắt tiền. Vợ chồng sinh được 3 người con, kinh tế ổn định.
Vừa qua, khi được chọn là nông dân xuất sắc năm 2022 của Trung ương Hội nông dân Việt Nam, người phụ nữ 49 tuổi nói rất vui, tâm sự "còn nhiều người xứng đáng hơn mình". "Tôi làm có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc. Bản thân luôn tâm niệm cần cố gắng ở mọi thời điểm, làm sao tạo ra sản phẩm tốt nhất đến với người tiêu dùng. Chỉ khi họ dùng hàng thấy vui thì đó mới là thành công", bà Hà nói.
Ông Nguyễn Kiều Hưng, Phó chủ tịch huyện Hương Sơn, đánh giá vợ chồng bà Hà dám nghĩ dám làm. "Bà Hà luôn đi đầu trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm truyền thống của địa bàn, chuyển đổi số để giúp giải quyết đầu ra, tìm thị trường tiêu thụ tốt cho người chăn nuôi", ông Hưng nói.
Từ năm 1900 đến nay, hươu sao trở thành vật nuôi chủ lực, giúp người dân ở huyện Hương Sơn thoát nghèo. Tổng đàn nuôi của huyện đạt hơn 36.000 con, trong đó có khoảng 20.000 con hươu đực đã cho lộc nhung, chiếm một nửa tổng đàn hươu sao của cả nước. Mỗi năm, hươu sao tại Hương Sơn cho ra thị trường khoảng 12 tấn nhung, toàn huyện thu về khoảng 150 tỷ đồng tiền bán nhung hươu và 50 tỷ đồng bán hươu giống.